Theo trang tin Chinhphu.vn, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chiến lược, cơ chế... để xây dựng, hướng tới Chính phủ số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban.
Các ủy viên gồm: Bộ trưởng Công an; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Tài chính; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.
Nhóm lãnh đạo các công ty CNTT-VT được chọn tham gia Ủy ban gồm: Chủ tịch FPT Trương Gia Bình; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel; Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bưu điện.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho Chủ tịch Trương Gia Bình khi tham dự Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018. Ảnh: TTXVN.
|
Theo quyết định, Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Đồng thời Ủy ban giúp Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Ủy ban cũng giúp Chính phủ, Thủ tướng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Ủy ban cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.
Thành lập tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban, đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm tổ trưởng. Tổ phó là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ). Trong trường hợp cần thiết, tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương trên cơ sở kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương làm trưởng ban.
FPT đã có hơn 20 năm trong việc triển khai các dự án về Chính quyền điện tử tại nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm, dịch vụ của FPT được ứng dụng rộng rãi và được nâng cấp, cập nhất các xu hướng công nghệ mới nhất. Với hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT cam kết sẽ đồng hành và gắn bó lâu dài vì lợi ích chung, cùng hướng tới sự thành công trong việc triển khai Chính phủ số tại Việt Nam. |
Tân Phong